Chia sẻ cách lắp đặt CPU cho máy tính PC

Chia sẻ cách lắp đặt CPU cho máy tính PC, làm sao để chọn đúng loại bộ xử lý và lắp đặt chúng vào máy tính đây ?

Trong những năm gần đây, việc nâng cấp CPU cho máy tính để bàn không còn quan trọng và phức tạp như trước vì các hãng sản xuất đã thiết kế để chia sẻ khả năng xử lý hệ thống cho các thành phần phần cứng khác như card đồ họa và ổ lưu trữ. Đồng thời, cùng với việc mức độ cải tiến hiệu năng CPU đang bị chậm lại từ thế hệ này sang thế hệ khác nên người dùng có lẽ cũng không phải bối rối về việc này. Tuy nhiên, dù gì thì CPU vẫn là một trong những bộ phận quan trọng nhất của hệ thống và sau đây là những hướng dẫn quan trọng để bạn chọn đúng loại bộ xử lý và lắp đặt chúng vào máy tính. 






Chọn Intel hay AMD 

Thị trường CPU máy tính hiện chỉ có hai nhà cung cấp là Intel và AMD. Việc chọn đúng loại CPU cho máy tính có thể khá phức tạp, nhưng nếu đã xác định chắc chắn về kế hoạch tài chính và mục đích sử dụng của mình thì bạn có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Chúng ta hãy bắt đầu với phân khúc CPU cao cấp rồi sau đó là các mẫu cấp thấp hơn.

Hiện nay, một trong những BXL cao cấp nhất của Intel cho máy tính để bàn là loại chip “Haswell-E” 6 nhân Core i7-5820K có giá 390 USD. Chip này có tốc độ xung nhịp 3,6GHz, được sản xuất dựa theo các loại chip máy chủ Xeon và sử dụng loại khe cắm socket LGA 2011-v3 cao cấp. Đây là loại chip đắt tiền nhất mà chúng tôi đề nghị cho nên sẽ không cần thiết đối với những người không có nhu cầu thật cụ thể đòi hỏi phải có thêm hiệu suất điện toán.


Từ trái sang phải: chip Core i7-2700K thế hệ thứ 2, Core i7-4790K thế hệ thứ 4, Skylake thế hệ thứ 6 và loại chip khủng Haswell-E Core i7-5960X.

Thấp hơn một mức là Intel Core i7-4790K có giá 340 USD. Loại chip này có 4 nhân nhưng có xung nhịp xử lý cao hơn so với loại chip i7-5820K (lên đến 4,4GHz) và đôi khi sẽ hoạt động tốt hơn loại chip đắt tiền khi chơi game cũng như chạy ứng dụng nhờ tốc độ xử lý này. Ở mức giá 240 USD, chúng ta có loại chip Intel Core i5-4690K mà tốc độ xử lý và công nghệ siêu phân luồng (hyperthreading) kém hơn so với i7-4790K, chỉ ở mức 3,9GHz. Loại chip Core i5-4690K là sự lựa chọn hài hòa tốt nhất giữa giá và hiệu năng trên thị trường hiện nay, do đó những “tay chơi” chip sẽ chọn mua nếu họ có khả năng.

Nhưng nếu túi tiền không cho phép sở hữu những chip cao cấp kể trên, bạn có thể dùng loại chip FX-8320 của AMD khá hiệu quả với giá 140 USD. Ngoài ra, bạn có thể chọn chip có giá thấp nhất làAthlon X4 860K cũng của AMD với mức giá 75 USD nhưng không có đồ họa tích hợp. 

Tốt nhất, nên dùng CPU của AMD nếu ngân sách của bạn có dưới 200 USD vì thị trường hiện nay có nhiều mẫu bo mạch chủ không đắt tiền nhưng nhiều tính năng được thiết kế cho các loại chip này. Ngoài ra, chip của AMD còn giữ lại các tính năng như tăng tốc và ảo hóa bằng mật mã mà Intel đã vô hiệu hóa trên các loại chip Core i3 và Pentium giá rẻ hơn của họ.


Một mẫu APU của AMD kết hợp CPU với GPU trên một chip duy nhất.

Trên đây là khái quát vài chọn lựa tốt nhất ở các mức giá khác nhau và hiện có rất nhiều bộ xử lý khác được bán trên thị trường. Nói chung thì chip Core i7 của Intel là dòng vi xử lý mạnh nhất của hãng và tốt nhất để dùng cho mục đích biên tập nội dung đa phương tiện. Trong khi đó, chip Core i5 không có tính năng siêu phân luồng nên chắc chắn không mạnh bằng chip Core i7, nhưng cũng khá mạnh mẽ cho các game thủ và hầu hết những người dùng khác. Còn chip Core i3 là dòng chip Core yếu nhất, nhưng cũng dùng được cho những ai không cần đến một hệ thống máy tính mạnh mẽ.

Những điều cần cân nhắc khác

Hãy nhớ là nên mua loại bo mạch chủ tương thích với CPU mới của bạn. Nên tránh phạm một lỗi thông thường khi lắp đặt máy tính là chọn linh kiện không tương thích với nhau. Khi cân nhắc các thông tin trên, quan trọng là phải nhớ rằng bạn cần dự trù một khoản chi phí phát sinh vì có thể sẽ muốn đầu tư nhiều hơn cho vài thành phần khác trong hệ thống máy tính của mình.

Nếu phải chọn lựa giữa việc chi thêm hàng trăm USD cho CPU hay chi số tiền đó cho card đồ họa cao cấp hơn hay ổ lưu trữ SSD để có tốc độ cao hơn, thì lời khuyên là bạn nên đầu tư vào card GPU hay ổ SSD tốt hơn thay vì mua CPU giá rẻ có tốc độ nhanh hơn. Đối với những người có ngân sách eo hẹp nhưng lại đề cao khả năng xử lý, hãy nhớ luôn đặt ưu tiên mua ổ SSD lên trên mọi chọn lựa khác vì nếu sử dụng ổ cứng HDD cơ học dùng làm ổ đĩa chính sẽ thua xa về tốc độ so với ổ SSD.

Một điều phải cân nhắc khác là hệ thống tản nhiệt. Tất cả các loại CPU trong danh sách trên đều có phần tản nhiệt cơ bản giúp giải nhiệt tuyệt đối thỏa đáng trong suốt quá trình sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người dùng đam mê công nghệ lại muốn chi tiền để mua các tháp giải nhiệt lớn hơn hay hệ thống giải nhiệt bằng nước.

Nếu muốn máy chạy êm thì bạn nên ép xung bộ xử lý, nhưng nếu muốn một hệ thống máy tính đẹp mắt thì bạn nên quyết định đầu tư cho bộ tản nhiệt CPU của các hãng thứ ba. Trái lại, nếu không chú ý đến tiếng ồn hay bộ tản nhiệt không đẹp mắt lắm bạn có thể bỏ qua mục này.

Cách lắp đặt CPU của Intel 

Sau khi đã cân nhắc mua những thứ kể trên, bạn có thể lắp đặt CPU mới của mình vào máy tính. Chúng ta sẽ xem xét cách lắp đặt CPU của Intel trước tiên và sau đó là loại chip của AMD.


Bộ tản nhiệt gốc của Intel dùng loại chấu ghim để gắn dính với bo mạch chủ.


Trước hết, hãy tháo bo mạch chủ khỏi thùng máy tính và đặt trên một mặt phẳng. Tiếp theo, hãy tháo chốt kim loại dài và nhỏ dùng để giữ khung che CPU gắn vào khe cắm LGA của Intel trên bo mạch chủ.

Bây giờ bạn có thể lắp chip vào và lưu ý đặt sao cho hai rãnh dẫn hướng trên khe cắm khớp với rãnh trên cạnh của chip. Các rãnh này được thiết kế để giúp bạn gắn CPU vào khe cắm đúng cách. Khi chip đã được gắn vào khe, bạn có thể hạ khung che vào vị trí. Hãy nhớ trượt rãnh ở đầu khung vào đinh ốc ở đáy khe cắm trước khi dùng chốt kim loại để khóa CPU vào vị trí.

Khi đã lắp đặt CPU xong, bạn có thể gắn bộ giải nhiệt vào. Nếu đang dùng bộ tản nhiệt Intel gốc đi kèm với CPU, bạn có sẵn keo tản nhiệt ở mặt dưới của bộ tản nhiệt. Nếu dùng bộ tản nhiệt của hãng khác, bạn cần phải thoa keo tản nhiệt nhỏ cỡ hạt gạo lên phần giữa của CPU trước khi đặt bộ tản nhiệt lên trên (khi mua bộ tản nhiệt bạn có thể sẽ được cung cấp thêm một ống keo tản nhiệt nhỏ).

Bộ tản nhiệt gốc của Intel có cái hay là dùng loại chấu ghim để gắn dính với bo mạch chủ. Bạn chỉ cần đặt bộ tản nhiệt lên trên CPU rồi nhấn các chấu ghim vào lỗ ở các góc của khe cắm. Khi chấu ghim đã được nhấn xuyên qua mặt bên kia của bo mạch chủ, hãy nhấn thanh khóa màu đen vào chấu gắn (mounting pin) và quay nó về phần giữa của CPU, theo chiều mũi tên khắc trên chấu ghim, để khóa bộ tản nhiệt cho đúng chỗ. Bước cuối cùng là nối dây nguồn cho quạt dẫn từ CPU đến đầu cắm nguồn quạt của CPU trên bo mạch chủ. Đừng quên nối quạt của bộ tản nhiệt với bo mạch chủ.

Đối với các loại bộ tản nhiệt của các hãng khác, quy trình này có thể phức tạp hơn và phải dùng đến giá đỡ bộ tản nhiệt và cách lắp đặt riêng. Tốt nhất là nên theo hướng dẫn của hãng sản xuất và tham khảo các video tương ứng trên YouTube để biết cách lắp đặt các sản phẩm này.

Cách lắp đặt CPU của AMD 

Chip AMD có loại khe cắm và cách lắp đặt bộ tản nhiệt khác với chip của Intel. Nhìn vào loại bo mạch chủ mới có khe cắm FM2+, bạn sẽ thấy không có chân kim loại trên khe cắm của AMD. Nói đúng hơn là các chân nối CPU của AMD với bo mạch chủ nằm ở mặt dưới của CPU.


Loại khe cắm FM2+ của AMD.

Trước hết, hãy lật chốt khóa CPU lên khỏi khe cắm. Sau đó, bạn có thể đặt CPU AMD vào khe cắm sao cho hình tam giác vàng trên góc của chip khớp với hình tam giác được khắc trên góc khe cắm CPU. Nhấn nhẹ để gắn chặt CPU vào khe cắm rồi lật chốt khóa trên cạnh khe cắm xuống để khóa chặt chip lại.

Giống như bộ tản nhiệt gốc của Intel, bộ tản nhiệt của AMD cũng có chất tản nhiệt ở mặt dưới. Điểm khác biệt lớn giữa các giải pháp tản nhiệt gốc của Intel và AMD là thiết bị của Intel gắn bằng chấu ghim, trong khi bộ tản nhiệt của AMD gắn bằng cách kết hợp rãnh và chốt truyền thống hơn.


Bộ tản nhiệt của AMD gắn bằng cách kết hợp rãnh và chốt truyền thống.

Bắt đầu gắn bệ đỡ trên bộ tản nhiệt lên trên rãnh plastic ở đầu trên của khe cắm CPU. Sau đó gắn bệ đỡ lên khe ở đầu đối diện của khe cắm. Từ đó, bạn có thể lật chốt khóa để ép chặt bộ tản nhiệt vào CPU và giữ chặt bộ tản nhiệt vào bo mạch chủ. Gắn cả hai rãnh plastic với bệ đỡ bộ tản nhiệt là phần khó nhất trong quá trình lắp đặt. Bạn phải gắn bệ đỡ bộ tản nhiệt trên rãnh plastic của khung bộ tản nhiệt ở cả hai bên khe cắm bộ xử lý trên bo mạch chủ.

Giờ đây, bạn đã thành công chọn đúng loại CPU để ráp máy tính và đã lắp đặt CPU đúng cách vào bo mạch chủ. Tuy hệ thống vẫn chưa hoàn thiện vì còn phải lắp nhiều linh kiện khác, nhưng có thể nói bạn đã thực hiện được một trong những phần phức tạp nhất trong quá trình tự lắp ráp chiếc máy tính cho mình.

Nguồn: Pcworld
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét